Nhiếp ảnh hợp tác và quyền lực của người cầm máy

Hai năm qua tôi xem và đọc về những nhiếp ảnh gia đã và đang thực hành nhiếp ảnh ở Việt Nam nhiều hơn. Tôi tìm hiểu về nhiếp ảnh hậu thuộc địa ở đất nước mình. Rất nhiều người trong số những nhiếp ảnh gia này vẫn giữ góc nhìn thực dân cho việc thực hành nhiếp ảnh, gạt bỏ những vấn đề về đạo đức sang một bên để có bằng được đầu ra cho riêng họ. Không thể không nói đến việc bùng nổ của du lịch, tác động một vai trò lớn đến thẩm mĩ hình ảnh của mọi người, định hình nên những khuôn sáo trùng lặp. Đa phần những bức ảnh du lịch đều miêu tả về những điểm đến tại các quốc gia đang phát triển theo phong cách “nguyên thuỷ, nghèo đói nhưng hạnh phúc, luôn thể hiện các giá trị truyền thống ở bất kì thời điểm nào…”. Đạo đức trong nhiếp ảnh cũng chính là thứ ngăn cản tôi khỏi việc hoàn thành các dự án mà mình mong muốn, có được những tấm hình mường tượng từ trước, hay tiếp cận với những nhân vật mà tôi cho là thú vị. Thực hành đạo đức trong nhiếp ảnh khó đến nhường nào? Làm thế nào để một bộ ảnh trở nên khách quan hơn? Làm thế nào để nhân vật có thêm tiếng nói của họ trong những tấm ảnh? Làm thế nào để cân bằng quyền lực giữa người cầm máy ảnh và người được chụp?

Giữa 2023 tôi tìm hiểu sâu hơn về nhiếp ảnh hợp tác và lên kế hoạch theo đuổi những dự án riêng theo phong cách này. Tình cờ cuối 2023 nhà xuất bản Thames & Hudson cho ra mắt cuốn sách nói về lịch sử của nhiếp ảnh hợp tác “Collaboration: A Potential History of Photography”. Sách được viết bởi Ariella Azoulay, Wendy Ewald, Susan Meiselas, Leigh Raiford và Laura Wexler. Tôi đã đặt mua ngay sau khi sách được mở bán ở Séc.

Vậy rốt cuộc nhiếp ảnh hợp tác là cái gì? Sự cộng tác này diễn ra nhiều cách khác nhau giữa người chụp và người được chụp. Nhân vật sẽ đồng hành cùng nhiếp ảnh gia tham gia trực tiếp vào nhiều quy trình khác nhau của quá trình sáng tạo. Nhiếp ảnh hợp tác đặt ra những câu hỏi về sự minh bạch, về cán cân quyền lực giữa nhiếp ảnh gia và người được chụp, về đạo đức nhiếp ảnh, về tác động của nó đến đầu ra là thẩm mỹ hình ảnh… Một số ví dụ nổi bật có thể kể đến như: Wendy Ewald, nhiếp ảnh gia thực hiện rất nhiều dự án nhiếp ảnh hợp tác liên quan đến bản sắc và khác biệt văn hoá. Bà thực hiện nhiều dự án với trẻ em, công nhân, giáo viên… Nhân vật trong câu chuyện được viết hay vẽ ra câu chuyện của họ vào những bức ảnh, Wendy thậm chí còn đưa máy ảnh cho những người này để họ chụp ảnh theo góc nhìn của người trong cuộc. Jim Goldberg cũng có cách tiếp cận khá tương tự khi để nhân vật trong dự án ảnh của ông thoải mái viết và vẽ lên những tấm ảnh được in ra, đôi lúc từ ngữ khá tục tĩu, có khi họ lại phê bình bức ảnh. Hay như Carolyn Drake với dự án Wild Pigeon – khi cô mời những người Uyghur viết, vẽ, cắt dán và cùng tạo nên những bức ảnh đa chất liệu.

Carolyn Drake với dự án ảnh Wild Pigeon. Ảnh chụp lại từ cuốn sách Collaboration: A Potential History of Photography.

Sự minh bạch đôi lúc là cản trở rất lớn trong việc thực hành nhiếp ảnh hợp tác, do sự tiếp nhận thông tin và cảm xúc của mỗi người đều khác nhau. Bieke Depoorter đã bị nhân vật trong câu chuyện về dự án “A” của cô phàn nàn về việc mình không được trả công xứng đáng, để rồi mối quan hệ đẹp đẽ giữa nhiếp ảnh gia và nhân vật được xây dựng nghiêm túc trong một thời gian dài trở nên tan tành, dù nhiếp ảnh gia cho biết cô đã làm hết sức mình để khi dự án xuất bản thì phần nào lợi nhuận có thể hỗ trợ cho nhân vật của mình. Nếu đặt lại câu chuyện theo một hướng khác, khi Bieke tập trung nói nhiều hơn về tính phi lợi nhuận, hay đơn giản là không công bố về những khoản tiền có được từ dự án này, phải chăng cô sẽ tránh được “sự cố” kể trên? Cần ghi nhận sự minh bạch mà Bieke Depoorter đã làm không phải là điều dễ dàng và phổ biến trong giới ảnh. Không ít nhiếp ảnh gia luôn thông tin một cách mù mờ nhất có thể để dễ dàng hoàn thành công việc nhanh nhất, thậm chí cắt đứt liên hệ với nhân vật ngay khi hoàn thành công việc để có thể kiểm soát được đầu ra theo ý muốn của họ.

Ảnh chụp lại từ cuốn sách Collaboration: A Potential History of Photography.

Không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhiếp ảnh gia từng thẳng thắn thừa nhận về việc “Tuân thủ những quy tắc đạo đức sẽ dẫn đến việc mắc kẹt và không thể hoàn thành nổi dự án nào”. Suốt một năm qua tôi đã liên lạc, gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với rất nhiều cá nhân, tổ chức để trình bày về mong muốn được hợp tác cho những dự án ảnh của mình. Tôi nhận được gần 40 lời từ chối. Có những phản ứng khá nặng nề khi nghe tôi trình bày về mục tiêu và cách thực hiện dự án, một cách chân thành và rõ ràng. Ví dụ như cuộc gặp gỡ cùng những người hành nghề mại dâm trên đường phố Praha. Những người phụ nữ này đã chửi mắng tôi thậm tệ khi tôi xin phép được hợp tác cùng họ cho một dự án ảnh dài hạn trong ít nhất một năm. Vẫn là giả dụ về cách tiếp cận nhân vật, nếu tôi tạm gác đạo đức, sự minh bạch qua một bên mà “đi đường tắt” thì chắc có lẽ dự án đã hoàn thành lúc này. Tuy vậy, tôi vẫn luôn tin rằng quy trình minh bạch trong nhiếp ảnh hợp tác là cách giải quyết tốt nhất cho sự cân bằng quyền lực nhiếp ảnh và những câu hỏi xoay quanh đạo đức. Nó cũng là tiền đề để xây dựng một mối quan hệ dựa trên sự tin tưởng giữa đôi bên, góp phần tạo nên sự thành công cho một dự án dài hơi. Tôi giữ niềm tin rằng trong 100 người, ít nhất sẽ có một người chấp thuận dành thời gian, sức lực, sự tin tưởng mà đồng hành cùng tôi cho một dự án. Và rồi ngay ngày đầu năm mới 2024, sau nhiều lời từ chối, tôi cũng đã đạt được sự đồng thuận cho dự án nhiếp ảnh hợp tác cùng một cậu người Bulgaria.

Trong dự án nhiếp ảnh hợp tác ảnh mang tên Free Bird này, tôi và anh bạn người Bulgaria dành nhiều thời gian để nói chuyện trước khi bắt đầu thực hiện cho công việc tiêu tốn ít thời gian nhất là chụp ảnh. Sự kết nối và tin tưởng dần hình thành theo thời gian. Tôi kể cho anh nghe về việc vật thể hóa nhân vật trong nhiếp ảnh, về việc đây là câu chuyện của anh và anh có rất nhiều cơ hội để kể nó theo cách của mình. Bất cứ khoảnh khắc nào trong lúc chụp mà anh cảm thấy mình bị vật thể hoá, bất cứ câu hỏi nào khiến anh khó chịu thì hãy thoải mái bỏ qua. Hay đơn giản là anh không muốn thực hiện nữa thì hãy cho tôi biết. Nhiếp ảnh hợp tác có thể là những dự án ảnh cả đời người, khi người chụp đồng hành cùng nhân vật trong nhiều giai đoạn khác nhau, trở thành một người thân trong cuộc đời họ. Lúc này đây, việc thực hành tư liệu trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết khi nhân vật đã trao bạn sự tin tưởng tuyệt đối.

Nhiếp ảnh hợp tác có thể không trả lời được hoàn toàn câu hỏi về cán cân quyền lực trong nhiếp ảnh, nhưng sự khách quan là yếu tố được cải thiện rõ rệt so với việc thực hành nhiếp ảnh truyền thống mang góc nhìn một chiều của người cầm máy, khi nhân vật tham gia vào quá trình sáng tạo và nói lên phần nào suy nghĩ của mình. Thách thức lớn nhất của một dự án nhiếp ảnh hợp tác là việc kiểm soát đầu ra, đặc biệt là khi nhân vật chưa tiếp xúc sâu với môn nghệ thuật thị giác này. Do vậy, cần rất nhiều thời gian đạt được sự đồng thuận để câu chuyện có được tính khách quan nhưng vẫn đảm bảo được yếu tố thẩm mĩ. Điều mà tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng nếu những người thực hành bộ môn nghệ thuật này quan tâm nhiều đến việc coi trọng và tận hưởng quy trình sáng tạo như đầu ra cho một dự án như tôi, thì hãy thử tìm hiểu sâu về nhiếp ảnh hợp tác. Tuy vậy, với việc đặt đạo đức và sự minh bạch là ưu tiên, hãy sẵn sàng tâm lý cho việc bị từ chối thẳng thừng hay tệ hơn là phản ứng thái quá từ phía nhân vật.

Prev A walk with Lád'a 

Leave a comment

This photo is Copyright by Vinh Tran. All rights reserved.